ĐẨY MẠNH HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG THIẾT CHẾ VĂN HÓA GẮN LIỀN VỚI CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH TỰ CHỦ TÀI CHÍNH CỦA HỆ THỐNG TRUNG TÂM VĂN HÓA
Ngày 20/12/2023, Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Trung tâm Văn hóa Quận 1 tổ chức hội nghị chuyên đề “Đẩy mạnh hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa gắn liền với cơ chế, chính sách tự chủ tài chính của hệ thống Trung tâm Văn hóa”.
Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Hoàng Anh, Phó trưởng Phòng xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Sở Văn hóa Thể thao TPHCM; Nguyễn Thị Huyền Trang, Phó trưởng Phòng Tổ chức – Pháp chế Sở Văn hóa Thể thao TPHCM; Nguyễn Thị Hoài Phượng, Phó Giám đốc phụ trách TTVH TPHCM; Lê Đức Pháp, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin triển lãm TPHCM; Phan Ngọc Thảo, Giám đốc TTVH Quận 1 cùng lãnh đạo TTVH, Trung tâm Văn hóa – Thể thao, Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông 21 quận, huyện và Thành phố Thủ Đức.
Theo báo cáo của Trung tâm Văn hóa Thành phố, đến cuối năm 2023, hệ thống thiết chế văn hóa tại TPHCM có 17 đơn vị đã được sáp nhập gồm: 12 Trung tâm Văn hóa – Thể thao; 5 Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông (các huyện) và còn 5 đơn vị chưa thực hiện sáp nhập. Các Trung tâm Văn hóa – Thể thao (Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông) 21 quận, huyện và TP Thủ Đức được phân loại tự chủ tài chính theo nhóm, trong đó 5 đơn vị thuộc nhóm II (22,7%), 16 đơn vị thuộc nhóm III (68%) và 01 đơn vị nhóm IV (9%).
Các đơn vị đã có nhiều cố gắng trong việc tăng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên, tiết kiệm chi phí, cải thiện thu nhập cho người lao động, từng bước tự chủ về tài chính, phù hợp tình hình thực tiễn của đơn vị.
Tuy nhiên việc sử dụng và quản lý các thiết chế văn hóa tại TPHCM còn tồn tại nhiều hạn chế như: cơ sở vật chất trang thiết bị xuống cấp, kinh phí đầu tư cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chưa thực sự xứng tầm, nội dung hoạt động đi vào lối mòn, chưa bắt kịp sự phát triển của xã hội; sự ra đời, cạnh tranh của nhiều thiết chế văn hóa tư nhân khiến cho hoạt động của các thiết chế văn hóa công lập tại cơ sở bị mất đi sự thu hút đối với các tầng lớp nhân dân. Ngoài ra, các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong khai thác cơ sở vật chất, liên doanh, liên kết tạo nguồn thu cho những hoạt động tại chỗ.
Hội nghị đã nghe Thạc sĩ Lê Thị Thạch Hoa, nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM báo cáo chuyên đề “Cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập” và Tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TPHCM trao đổi chuyên đề “Sáp nhập các Trung tâm Văn hóa với Thể thao và Truyền thông – Thời cơ và thách thức trong xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa của Thành phố Hồ Chí Minh”.
Các đại biểu cũng thẳng thắn trao đổi những vấn đề chưa rõ, những hạn chế, bất cập trong hoạt động thực tiễn của đơn vị và được báo cáo viên giải đáp, góp ý, qua đó góp phần giúp các đơn vị sự nghiệp công lập tháo gỡ khó khăn về cơ chế tự chủ, thực hiện giải pháp tăng thu từ các hoạt động dịch vụ, từng bước thực hiện tự chủ về tài chính và nâng cao quyền tự chủ cho đơn vị.
Chuyên đề cũng kiến nghị các giải pháp xây dựng và phát triển các Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông, như: cần xác định thống nhất về tên gọi của Trung tâm VHTT và Truyền thông; nghiên cứu, thống nhất chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm VHTT và Truyền thông; thống nhất về cơ cấu, tổ chức, bộ máy các đơn vị trực thuộc Trung tâm VHTT và Truyền thông; đổi mới hình thức hoạt động của TTVH như tạo điều kiện cho nghệ sĩ, người làm văn hóa, người dân có không gian để sáng tạo và thể hiện tài năng, đồng thời hỗ trợ các sự kiện văn hóa nghệ thuật độc đáo để mọi người dân được hưởng thụ các sản phẩm sáng tạo văn hóa nghệ thuật; đổi mới hoạt động tuyên truyền lưu động theo định hướng sáng tạo, hiệu quả, phù hợp kỷ nguyên số; xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất, thông suốt, tạo cơ chế để cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa huy động sự tham gia “đồng quản lý” về văn hóa của cộng đồng.
TX